Skip to main content

Giữ vẻ đẹp văn hóa cổ truyền

Tết cổ truyền từ bao đời nay đã mang những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Tết đến là dịp được về quê cha đất tổ, được sum họp gia đình, gặp mặt người thân trong không khí ngày Xuân ấm cúng. Đây cũng là dịp thể hiện tình làng, nghĩa xóm sâu đậm.



Người ta thăm hỏi nhau, tay bắt mặt mừng, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã có chính sách và hành động thiết thực chăm lo Tết người nghèo và gia đình chính sách, qua đó làm tăng thêm sự gắn kết cộng đồng, thể hiện đạo lý dân tộc. Tết đến, con người như hòa nhập với thiên nhiên, khắp phố phường, làng quê tràn ngập hoa và cây cảnh, hầu như nhà nào cũng có hoa và mâm ngũ quả, nhà nào cũng dọn dẹp phong quang sẵn sàng đón Xuân về. Tất cả mọi người, từ trẻ em đến người già đều náo nức đón Tết. Dường như mỗi người có thêm xung lực mới với bao dự định, ước mơ thành đạt khi bước vào năm mới.
Tuy nhiên, hòa chung trong không khí Tết vẫn xảy ra hiện tượng tiêu cực làm tổn hại vẻ đẹp văn hóa của nó. Trong lúc kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều người mua sắm đồ ăn thức uống quá nhiều, đến nỗi ăn không hết phải đổ đi rất lãng phí. Ăn uống, nhậu nhẹt quá đà, uống rượu bia đến say xỉn thường xảy ra to tiếng, cãi cọ, thậm chí dẫn đến ẩu đả. Trong lúc thực phẩm không an toàn, rượu giả tràn lan, không ít trường hợp do ăn uống bừa bãi đã bị ngộ độc hoặc sinh bệnh phải đưa đi bệnh viện. Có người qua mấy ngày Tết sức khỏe yếu hẳn đi do ăn uống không điều độ. Những ngày Tết cũng thường xảy ra tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông say rượu bia, do công tác quản lý buông lỏng, không thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Thật đau lòng khi trong ngày Tết lại gặp tai nạn giao thông khiến nhiều gia đình mất Tết. Trong những ngày này, tệ nạn cờ bạc cũng thường xảy ra. Không có Tết nào không xảy ra các trò cờ bạc dưới đủ mọi hình thức, trong đó có những vụ đánh bạc lớn bị sa lưới pháp luật. Các tệ nạn xã hội đua nhau xuất hiện nhân ngày vui Xuân, len lỏi đến từng ngõ ngách, làm tổn hại thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực nêu trên, trước hết đòi hỏi sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành, các địa phương chăm lo tổ chức Tết cổ truyền, từ việc đáp ứng nhu cầu đi lại, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm đến việc giữ gìn môi trường sạch đẹp và có những biện pháp mạnh với những hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm sự bình yên, trật tự an toàn xã hội. Khi đời sống vật chất được cải thiện, nhất là Tết năm nay được nghỉ dài ngày thì nhu cầu vui chơi giải trí tăng cao. Ngành du lịch có thể tổ chức nhiều chuyến du Xuân với nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng. 
Các địa phương quan tâm tạo ra nhiều điểm vui chơi giải trí. Đây là dịp tốt để các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa đẩy mạnh hoạt động. Thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng hoạt động sôi nổi, lôi cuốn đông người với những bộ môn nghệ thuật mang thế mạnh của từng địa phương như: chèo, tuồng, quan họ, đàn ca tài tử, múa rối nước... Ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thì khai thác kho tàng nghệ thuật đặc sắc của mỗi dân tộc như: múa xòe, đàn tính, khèn, múa Chăm, cồng chiêng... Phong trào văn nghệ quần chúng có sức hấp dẫn, vì nhân dân vừa là người hưởng thụ, vừa là người sáng tạo trong các chương trình nghệ thuật rất thích hợp với không khí vui Xuân. Đây cũng là dịp các địa phương khai thác mạnh các trò chơi dân gian. Tổ chức trò chơi dân gian không tốn kém mà quy tụ được nhiều người yêu thích. Chỉ cần một mảnh đất rộng với mấy cây tre là có thể dựng lên một cây đu mà Tết xưa đã từng thu hút nhiều nam thanh nữ tú, có thể dựng một cây nêu cho trò chơi ném còn, có thể tổ chức một xới vật đầy hấp dẫn... Hoạt động văn nghệ quần chúng cùng với trò chơi dân gian phù hợp với khung cảnh Tết cổ truyền càng tôn thêm vẻ đẹp của nó. Tăng cường sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí lành mạnh trong nhân dân, nhất là lớp trẻ sẽ góp phần đẩy lùi hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội.
Trong những ngày Tết, khi mọi người vui vẻ quây quần ở gia đình, vẫn có những người lặng lẽ quét rác giữ cho đường phố sạch đẹp; vẫn có những người miệt mài giữ cho mạch máu giao thông thông suốt; vẫn có những người cần mẫn giữ gìn trật tự an ninh; vẫn có những thầy thuốc tận tâm bên giường bệnh cứu người... Họ đang tô thêm nét đẹp cho cuộc sống nói chung và cho Tết cổ truyền nói riêng. Và, mỗi người chúng ta càng hiểu hơn, đón Tết là nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, có thêm sức mạnh tinh thần để bước vào năm mới đạt những thành tích mới.
(Trích: baomoi.com)

Comments

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Trang phục Việt Nam – tinh hoa hơn 4000 năm lịch sử

Thời trang Việt, đặc biệt là trang phục và phục sức của cha ông qua hơn 4000 năm văn hiến vẫn là một đề tài còn nhiều bỏ ngõ, bởi đến nay có rất ít công trình nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề này. Tuy nhiên, tham khảo những nghiên cứu sơ lược của các nhà sử học, có thể khẳng định trang phục Việt từ thời khai hoang mở nước cho đến cuối triều Nguyễn luôn kế thừa và biến đổi theo biến động lịch sử. Nếu trang phục của tầng lớp quý tộc mang nhiều đường nét, hơi hướng của giai cấp phong kiến Trung Hoa, thì trang phục của người dân lao động lại thể hiện nét thẩm mỹ độc đáo, là tinh hoa văn hóa dân tộc qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển đất nước.

108. Lục thập hoa giáp là gì? Cách tính năm, tháng, ngày, giờ theo can chi

Lục thập hoa giáp là sự kết hợp 6 chu kỳ hàng can với 5 chu kỳ hàng chi thành hệ 60. Cách tính năm, tháng, ngày, giờ đều theo hệ số đó, gọi là lịch can chi. có 6 chu kỳ hàng can tức là có 6 giáp mà mỗi chu kỳ hàng can hay mỗi giáp gồm 10 can (đó là: Giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quí) nên gọi là lục thập hoa giáp.

Tại sao “Thứ Hai” là ngày đầu tuần?

Có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ để ý đến nguồn gốc những ngày trong tuần.

Thời nhà ĐINH

Đinh Tiên Hoàng (22 tháng 3 năm 924 - tháng 10 năm 979), tên thật là Đinh Bộ Lĩnh hoặc Đinh Hoàn, là vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Tượng Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư

Nhà Tiền Lê

Nhà Lê (980-1009) hay còn được gọi là nhà Tiền Lê (để phân biệt với nhà Hậu Lê do Lê Lợi lập ra) là một triều đại trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu khi Đinh Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn vào năm 980, trải qua ba đời vua và chấm dứt khi Lê Ngọa Triều qua đời, và hoàng tử kế vị đang còn nhỏ tuổi. Quốc hiệu vẫn là Đại Cồ Việt. Là triều đại tiếp sau nhà Đinh (968-980) và được kế tục bởi nhà Lý (1009-1225).